Công tác đảm bảo an toàn cháy nổ được đặc biệt trú trọng trước thềm Tết Nguyên đán đang đến gần. Đây là thời điểm có sự tập trung lớn của vật tư, hàng hóa để phục vụ sản xuất kinh doanh, kết hợp với nhu cầu sử dụng nhiều thiết bị điện, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã,… sẽ rất dễ gây ra các sự cố cháy nổ mất an toàn.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan phía trên, ý thức lơ là và chủ quan của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống cháy nổ cũng cần được lưu tâm. Với mục tiêu hạn chế tối đa số vụ và thiệt hại do cháy gây ra trong dịp Tết Nguyên đán, mọi gia đình cần chú ý và tuân thủ 5 biện pháp an toàn dưới đây:
Mục lục
Nâng cao nhận thức an toàn cháy nổ khi sử dụng pháo hoa
Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua bán và sử dụng pháo hoa luôn tăng cao. Việc bảo quản và sử dụng pháo không đảm bảo có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ rất lớn.
Khi sử dụng pháo hoa, bạn tuyệt đối không nên mua bán hoặc sử dụng pháo lậu, chỉ mua các sản phẩm pháo hoa có nguồn gốc rõ ràng từ Bộ Quốc phòng thông qua các cửa hàng và đại lý ủy quyền với giấy phép hợp lệ theo quy định của pháp luật. Đồng thời nên mua số lượng đủ theo mục đích sử dụng, không nên mua số lượng lớn để dự trữ.
Trong quá trình sử dụng, hãy tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đặt pháo hoa ở nơi rộng, bằng phẳng, cách xa vật liệu, chất dễ cháy từ 5m trở lên. Khi đặt lên vật liệu cháy, cần lót lớp vật liệu chống cháy bên dưới. Khi pháo cháy hết, hãy để nguội ít nhất 15 phút trước khi bỏ vào thùng rác để đảm bảo an toàn cháy nổ.
Quản lý cẩn thận nguồn phát ra lửa trong nhà
Quản lý chặt chẽ nguồn lửa và nguồn nhiệt độ trong quá trình nấu nước, thắp hương thờ cúng, thắp nến, đốt vàng mã…Đây là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn và kiểm soát tốt các sự cố cháy nổ có thể xảy ra. Đối với quá trình sử dụng các thiết bị đốt nóng, thi công, hàn cắt gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt thì phải được giám sát bởi người có chuyên môn.
Đối với việc bố trí nơi thắp hương, thờ cúng cũng phải đảm bảo an toàn cháy nổ. Bát hương phải được đặt trên các thiết bị không cháy hoặc khó cháy, khoảng cách tối thiểu từ bát hương cho tới trần nhà cần duy trì khoảng 2m. Khi thắp hương, hãy cố gắng kiểm tra giám sát thường xuyên cho đến khi tàn để tránh tình trạng bắt nhiệt nóng cháy.
Nếu đốt vàng mã, hãy hạn chế đốt trong nhà ở, hành lang, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, nơi tập trung đông người và phương tiện tham gia giao thông qua lại. Trước khi đốt, phải chọn nơi kín gió hoặc sử dụng các biện pháp chắn tránh gió cuốn tàn lửa sang các khu vực xung quanh gây cháy. Nên giám sát cho đến khi không còn tàn lửa và để nguội hẳn thì mới đổ tro.
Đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy cần được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như tủ điện, ổ cắm điện…) ít nhất 0,5m. Đối với các gia đình sử dụng bếp gas, khi dùng xong có thể khóa van xả khí để đảm bảo an toàn cháy nổ.
Sử dụng có hợp lý các thiết bị điện
Trong dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện trong nhà là tương đối lớn. Để đảm bảo an toàn cháy nổ khi sử dụng điện, trước hết, hãy lắp đặt thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà. Điều này bao gồm việc chia nhỏ hệ thống điện thành từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn.
Thứ hai, hãy hạn chế việc sạc điện thoại và các thiết bị điện tử qua đêm để tránh tình trạng phát nổ. Đồng thời, không nên đặt các vật liệu dễ cháy gần bóng điện, dây dẫn, ổ cắm để hạn chế cháy chập điện.
Khi sử dụng các thiết bị điện như bàn là, bếp điện, lò sấy phải đảm bảo có người trông coi. Tránh để trẻ nhỏ vô ý sử dụng các thiết bị này mà không có sự giám sát nhằm giảm rủi ro và đảm bảo an toàn cho mọi thành viên trong gia đình.
Xem thêm:
Hạn chế nguy cơ cháy nổ từ các thiết bị điện tử
Chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị PCCC tại chỗ
Để đảm bảo an toàn cháy nổ, mỗi gia đình cần chuẩn bị một hệ thống các phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ. Chúng có thể bao gồm: bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, nước/cát chữa cháy, thang dây thoát hiểm đối với căn nhà cao tầng, cùng với túi y tế cứu thương và hộp sơ cấp cứu.
Bình chữa cháy sẽ đóng vai trò kiểm soát và dập tắt ngọn lửa ngay từ khi mới bắt đầu. Mặt nạ lọc độc giúp bảo vệ hô hấp của bạn khi phải di chuyển qua khu vực có khói độc hại. Nước và cát chữa cháy là những vật liệu cơ bản giúp kiểm soát và dập tắt lửa. Thang dây thoát hiểm giúp tạo ra lối thoát an toàn từ trên cao, đặc biệt thiết yếu đối với các chung cư cao tầng.
Mỗi gia đình nên chuẩn bị ít nhất 1 túi y tế và hộp sơ cấp cứu với các vật dụng cần thiết để sơ cứu và chăm sóc sơ bộ cho người bị thương. Tất cả những phương tiện này đều nên được bảo quản cẩn thận và định kỳ kiểm tra để đảm bảo sẵn sàng sử dụng khi có nhu cầu.
Xây dựng sẵn phương án chữa cháy trong trường hợp cần thiết
Mỗi gia đình cần tự xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị kế hoạch để sẵn sàng đối mặt với tình huống cháy nổ, bao gồm việc dự kiến các lối thoát hiểm khác ngoài cổng chính như ban công, logia, sân thượng, mái và hướng sang nhà bên cạnh,…Đồng thời chuẩn bị sẵn dụng cụ phá vỡ để tạo lối thoát khi cần thiết.
Khi xảy ra hỏa hoạn trong gia đình, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải giữ bình tĩnh và thông báo ngay lập tức cho mọi người trong nhà biết để di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khi di chuyển qua khu vực có khói hoặc lửa, hãy sử dụng khăn ẩm hoặc đeo mặt nạ phòng độc để che chắn mặt và hô hấp.
Tuyệt đối không núp ở trong phòng, nhà vệ sinh và ngay lập tức thông báo cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy theo số điện thoại miễn phí 114 khi phát hiện có cháy. Nếu có thể, hãy thay thế cửa thông thường bằng cửa chống cháy chuyên dụng để đảm bảo an toàn cho gia đình trước khi xảy ra bất kỳ sự cố không mong muốn nào.
Đảm bảo an toàn cháy nổ không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà trên hết cần sự chung tay của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Tết đang đến gần, hãy thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và cộng đồng, đồng thời đón mừng năm mới vui vẻ và an toàn bên cạnh những người thân yêu nhé.
Bạn nên biết:
Hướng dẫn cài đặt và sử dụng các tính năng app “Báo cháy 114”