Tiêu chuẩn UL 10C là một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong lĩnh vực kiểm tra và đánh giá khả năng chống cháy của cửa được lắp đặt trong xây dựng. Được phát triển bởi Underwriters Laboratories (UL), tiêu chuẩn này tập trung vào việc xác định khả năng ngăn chặn sự lan truyền của lửa, khói và khí độc trong các tình huống hỏa hoạn
Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của tiêu chuẩn này và cụ thể hơn cho những yêu cầu của chúng với với các loại cửa chống cháy, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!
Mục lục
Tiêu chuẩn UL 10C là gì?
UL 10C là tiêu chuẩn của Mỹ được phát triển bởi Underwriters Laboratories (UL) để đánh giá khả năng chống cháy của các loại cửa, bộ cửa và các thành phần liên quan khi tiếp xúc với lửa. Đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong ngành xây dựng, đặc biệt đối với các sản phẩm cửa chống cháy.
Tiêu chuẩn này bao gồm các quy định về phương pháp thử nghiệm và đánh giá các bộ cửa chống cháy khi chúng tiếp xúc với nhiệt độ cao và lửa trong một khoảng thời gian nhất định với mức áp suất dương, mô phỏng tình huống thực tế khi đám cháy tạo áp lực lên cửa và các bộ phận liên quan.
Cửa chống cháy đạt tiêu chuẩn UL 10C cần phải vượt qua các bài kiểm tra về nhiệt độ, áp suất, độ kín khói và độ bền trước khi chúng được chứng nhận có khả năng chống cháy theo tiêu chuẩn.
Bạn nên biết:
Dấu hiệu nhận biết cửa chống cháy đạt tiêu chuẩn UL 10C
Để xác định cửa đã đạt chuẩn an toàn theo UL 10C hay chưa người ta thường dựa vào các nhãn chứng nhận có trên cửa. Cửa chống cháy được chứng nhận UL sẽ có nhãn bao gồm ký hiệu UL từ CLASSIFIED và các thông tin sau:
- Tên loại cửa chống cháy
- Đánh giá khả năng chống cháy theo giờ (Ví dụ: 4 giờ, 3 giờ, 1-1/2 giờ, 1 giờ, 3/4 giờ,…)
- Nhiệt độ tăng khi thử nghiệm (Ví dụ 30 PHÚT – 250°F TỐI ĐA, 30 PHÚT – 450°F TỐI ĐA,…)
Tại một số đơn vị, tiêu chuẩn an toàn sản phẩm cũng có thể được ghi trên sản phẩm hoặc ghi trong hướng dẫn lắp đặt của nhà sản xuất.
Mục đích của tiêu chuẩn UL 10C cho cửa chống cháy
Cửa chống cháy và cụm cửa lắp đặt thử nghiệm theo tiêu chuẩn UL 10C được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn sự lan truyền của lửa, khói và khí độc trong các tòa nhà. Mục tiêu chính là tạo ra rào cản chống cháy, ngăn chặn lửa và khói di chuyển qua các khu vực của công trình trong trường hợp hỏa hoạn.
Cửa và cụm lắp ráp tuân thủ tiêu chuẩn UL 10C phải trải qua các thử nghiệm khắt khe nhằm đánh giá khả năng chống cháy và giảm thiểu sự lan truyền của lửa, khói và khí độc. Trong thử nghiệm, cửa được tiếp xúc với nhiệt độ cao trong một khoảng thời gian mô phỏng tình huống cháy thực tế. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: tính toàn vẹn (khả năng ngăn lửa và khí nóng), tính ổn định (khả năng duy trì cấu trúc), và khả năng cách nhiệt (hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mặt không tiếp xúc với lửa).
Tiêu chuẩn UL 10C không chỉ tập trung vào khả năng chống cháy mà còn kiểm tra tính ổn định của cụm cửa dưới một lực áp suất trong suốt quá trình thử nghiệm, đảm bảo tính toàn vẹn của cấu trúc.
Yêu cầu cấu trúc của cửa chống cháy theo UL 10C
Tiêu chuẩn UL 10C quy định cửa chống cháy phải được làm từ vật liệu có khả năng chống cháy cao. Ví dụ, cửa thép dành cho lối thoát hiểm thường có thời gian chống cháy trung bình là 3 giờ, trong khi cửa gỗ là 90 phút.
Cửa phải có lõi chống cháy, ví dụ như ván sợi khoáng hoặc lõi gỗ composite và được bao phủ bởi các lớp vật liệu chống cháy như thép hoặc composite. Kính chống cháy cũng có thể được tích hợp để hỗ trợ quan sát và tăng cường việc sơ tán mà vẫn đảm bảo tính chống cháy.
Cấu trúc của cửa cũng cần được trang bị khung và phần cứng chống cháy bao gồm bản lề, cơ cấu chốt và thiết bị đóng tự động. Các thành phần này cũng cần được thiết kế để chịu được nhiệt độ cao và duy trì tính toàn vẹn trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Tác động của tiêu chuẩn UL 10C với công tác PCCC
Tiêu chuẩn UL 10C giúp phát triển các sản phẩm an toàn, có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động cứu hỏa. Cửa chống cháy cung cấp thời gian quý báu cho lính cứu hỏa thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn, sơ tán người dân cũng như kiểm soát sự lan rộng của lửa. Những cánh cửa này giúp đội ngũ cứu hộ tập trung vào các khu vực nguy cấp, giảm nguy cơ cháy lan và nâng cao cơ hội kiểm soát đám cháy.
Đồng thời, cửa chống cháy đảm bảo an toàn cho người dân bằng cách tạo ra lối thoát hiểm an toàn, ngăn chặn sự lan nhanh của khói và khí độc, giúp họ sơ tán an toàn và giảm nguy cơ bị ngạt thở. Đối với những người không thể sơ tán, cửa chống cháy đảm bảo tiêu chuẩn có thể giữ nhiệt, lửa và khói bên ngoài, tạo thêm thời gian cho lực lượng cứu hộ tiếp cận.
Ngoài ra, cửa chống cháy còn giúp kiểm soát đám cháy bằng cách hạn chế lửa và khói từ khu vực nguồn, ngăn chặn sự phát triển của lửa trước khi lính cứu hỏa đến hiện trường. Để làm được điều đó, chúng sẽ cần được lắp đặt và bảo trì đúng cách, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn.
Tiêu chuẩn UL 10C không chỉ là thước đo khắt khe về khả năng chống cháy của cửa khi lắp đặt mà còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản trong trường hợp hỏa hoạn. Cửa chống cháy đạt tiêu chuẩn UL 10C sẽ góp phần trở thành rào cản hiệu quả cung cấp lối thoát an toàn cho con người và tài sản, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do cháy nổ gây ra cho nhiều công trình ngày nay.
Nội dung liên quan:
Tiêu chuẩn cửa chống cháy cần tuân thủ để đảm bảo nghiệm thu công trình nhanh chóng