Thiết kế tòa nhà hiện nay và trong suốt thế kỷ 20 đã được định hình đáng kể bởi các quy tắc về an toàn cháy nổ đến từ vật liệu, vị trí đặt bình chữa cháy, hệ thống tường cho tới cửa chống cháy. Khi các tòa nhà được trang bị tốt hơn để đối phó với các trường hợp hỏa hoạn, cuộc sống của cư dân sẽ được đảm bảo hơn rất nhiều.
Yếu tố cần để mang tới những tòa nhà an toàn
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 2.530 vụ cháy nhà dân, cơ sở và phương tiện giao thông cơ giới, làm chết 56 người, bị thương 107 người, thiệt hại ước tính về tài sản tới 416,15 tỷ đồng. Số vụ cháy ở khu vực thành thị chiếm khoảng 52,29% (1323 vụ), khu vực nông thôn chiếm 47,71% (1207 vụ).
Nguyên nhân chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, sự cố kỹ thuật hoặc vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy,… Một trong những vấn đề là các đám cháy tiến triển nhanh hơn do sự phổ biến của vật liệu tổng hợp trong nhà.
Theo số liệu của Mỹ, 30 năm trước người dân ở đây có 14-17 phút để thoát khỏi đám cháy nhà nhưng hiện nay, con số này chỉ còn 2-3 phút. Một ngọn lửa nhỏ có thể gây nguy hiểm tính mạng trong vòng 30 giây và mất chưa đến 5 phút để ngọn lửa nhấn chìm toàn bộ tài sản trong nhà.
Giống như con người, đám cháy thông qua hệ thống cửa để tiếp cận các khu vực khác nhau của tòa nhà. Mặc dù chúng có thể cháy xuyên qua các bức tường (đặc biệt nếu không có khả năng chống cháy), lửa thường sẽ đi theo con đường ít có lực cản nhất, thường là cửa. Nếu bản thân cửa không có khả năng chống cháy thì hoàn toàn có thể là tác nhân góp phần vào sự lan rộng của đám cháy.
Vì vậy, cửa chống cháy, cửa có xếp hạng chịu lửa được chỉ định có thể giúp ngăn chặn đám cháy xâm nhập tới khu vực khác hoặc một phần của tòa nhà và làm chậm sự lan truyền của đám cháy, cho phép đội cứu hỏa có thêm thời thời gian ứng phó và người trong tòa nhà thoát ra ngoài. Bởi hầu hết mọi người tập trung vào yếu tố cháy mà quên đi điều quan trọng rằng phần lớn số người chết trong vụ cháy khu dân cư là do ngạt khói.
Nguyên tắc hoạt động của cửa chống cháy
Do có nhiều loại cửa chống cháy khác nhau nên cách hoạt động sẽ có những điểm khác biệt, tuy nhiên nhìn chung các cửa kiểm soát ngọn lửa này có sử dụng thanh thoát hiểm thay cho ổ khóa. Khi hỏa hoạn, những người phía trong có thể thoát ra ngoài bằng cách đẩy tay vào thanh thoát hiểm (thông thường cửa sẽ tự động đóng, bên ngoài không thể vào) cửa sẽ tự mở ra và đóng lại ngay, ngăn không cho ngọn lửa lan sang khu vực khác.
Khung và phần cứng của cửa chống cháy phải được kiểm tra và đánh dấu kí hiệu lửa. Nếu cửa bị cháy, những ký hiệu lửa sẽ nở ra và bịt kín khe hở xung quanh khung cửa, tạo ra lớp bảo vệ ngăn chặn lửa và khói xâm nhập.
Tuy nhiên, điều này chỉ hoạt động khi mọi thành phần đều được xếp hạng chống cháy. Tất cả các thành phần của hệ thống lối vào bao gồm cửa ra vào, khóa đóng, bản lề, khóa, niêm phong đầu vào, phần cứng chống rung, thiết bị giữ mở và xoay tự do, biển báo đều được chỉ định thống nhất và được phê duyệt.
Cửa chống cháy đến đâu cũng cần ý thức của con người
Hơn hết, những người đang được bảo vệ bởi cửa chống cháy phải ý thức được vai trò của cửa trong việc bảo vệ tài sản và tính mạng của chính mình. Con người là yếu tố đủ để cửa chống cháy phát huy tác dụng trong trường hợp cần thiết. Sẽ không có cách nào ngăn cản được đám cháy nếu như cửa chống cháy đang mở.
Do cửa chống cháy đi liền với thang thoát hiểm và khá nặng nên nhiều người có thể đặt các vật cản để chúng luôn mở. Một số mẫu cửa chống cháy hiện đại có tính năng cho phép cửa vẫn mở nhưng tự động đóng lại trong trường hợp khẩn cấp. Một đầu báo cháy và khói có sẵn được kết nối với hệ thống trung tâm tòa nhà, kích hoạt cửa đóng vào thời điểm chuông báo động vang lên. Bằng cách này, cửa có thể ngăn lửa và thực hiện đúng vai trò trong trường hợp khẩn cấp mà vẫn không gây cản trở cho cư dân.
Cửa chống cháy là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc làm chậm sự lan truyền của ngọn lửa trong các tòa nhà lớn, khu phức hợp, từ tòa nhà văn phòng cho đến hộ gia đình và hơn thế nữa. Nhiều khía cạnh khác của tòa nhà cũng có thể làm tăng rủi ro trong trường hợp hỏa hoạn, chính vì vậy hãy lên mọi kịch bản để mang tới sự an toàn cho tòa nhà.