Trong mọi công trình, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng, nhà xưởng và các cơ sở sản xuất, việc đảm bảo an toàn cháy nổ là một vấn đề vô cùng quan trọng. Do đó, các quy định về việc xây dựng bể nước phòng cháy chữa cháy cho công trình đã được ban hành nhằm nâng cao công tác chữa cháy tại chỗ, hạn chế thấp nhất rủi ro liên quan.
Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các quy định về bể nước chữa cháy và cách tính thể tích nước cần thiết của bể PCCC để bảo đảm an toàn cho các công trình nhé.
Mục lục
Giới thiệu về bể nước phòng cháy chữa cháy
Bể nước phòng cháy chữa cháy là một cơ sở hạ tầng quan trọng trong hệ thống PCCC của công trình. Đây là một hệ thống dự phòng cung cấp nguồn nước có thể sẵn sàng đối phó bước đầu khi xảy ra các tình huống cháy nổ.
Bể nước PCCC thường là một bể chứa nước lớn được xây dựng tại các khu vực chiến lược trong tòa nhà. Nước trong bể này có thể được sử dụng để cung cấp cho sinh hoạt, cho các hệ thống chữa cháy tự động và ống bơm dẫn nước cứu hỏa khi cần thiết giúp kiểm soát và dập tắt đám cháy nhanh chóng.
Hệ thống phòng cháy chữa cháy bao gồm nhiều thành phần khác nhau, bao gồm cả bể nước phòng cháy chữa cháy, hệ thống bơm nước, ống dẫn, đầu phun và nhiều thiết bị chữa cháy khác. Đối với bể chứa nước chữa cháy, kích thước sẽ phụ thuộc vào từng công trình, kích thước và quy mô càng to sẽ yêu cầu bể PCCC càng lớn.
Cấu tạo của bể nước chữa cháy
Bể nước chữa cháy là một phần quan trọng trong hệ thống phòng cháy chữa cháy, được thiết kế và xây dựng tuân theo các quy định với những thông số kỹ thuật cụ thể sau:
- Vật liệu và chiều dày của vách/thành bể nước: Bể được làm bằng vật liệu bê tông cốt thép với chiều dày vách/thành là 25cm.
- Chiều dày đáy bể nước: Đáy bể nước có chiều dày 30cm.
- Mực nước tối đa trong bể: Bể có khả năng chứa mực nước tối đa lên đến 3m.
Bề ngoài về kết cấu, bể nước phòng cháy chữa cháy thường được làm bằng vật liệu bê tông cốt thép để đảm bảo tính bền và khả năng chịu lực tốt. Bên trong bể nước, hệ thống đường ống được thiết kế để cung cấp nước và thoát nước ra bên ngoài. Hệ thống đường ống này bao gồm hai loại:
- Đường ống cấp nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt thông thường.
- Đường ống cấp nước phục vụ cho hoạt động sản xuất và có khả năng kết nối trực tiếp với các thiết bị kỹ thuật. Đây cũng là đường ống cấp nước dành cho việc chữa cháy trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Để phục vụ việc chữa cháy, có thể lắp đặt các trụ cấp nước chữa cháy nổi hoặc ngầm từ 2 đến 4 họng.
Quy định về bể nước phòng cháy chữa cháy
Đối với bể nước phòng cháy chữa cháy, Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622:1995 về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình có một số yêu cầu thiết kế như sau:
“10. Cấp nước chữa cháy
10.1. Phải thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy cho nhà và công trình dân dụng, nhà kho, công trình công nghiệp.
Hệ thống cấp nước chữa cháy bao gồm hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà và ngoài nhà. Cho phép thiết kế hệ thống bể nước chữa cháy riêng biệt khi việc kết hợp với hệ thống cấp nước sinh hoạt hoặc sản xuất không có lợi về kinh tế.
…
10.7. Đối với các khu công nghiệp hoặc công trình công nghiệp, trong đó hạng sản xuất C, D, E mà diện tích không quá 200.000m2, lưu lượng nước dùng để chữa cháy bên ngoài nhà không quá 20 lít/giây và đối với các khu dân cư không quá 8.000 người, thì không quá 8.000 người, thì không cần thiết kế hệ thống đường ống cấp nước chữa cháy bên ngoài mà có thể sử dụng máy bơm hay xe bơm chữa cháy lấy nước từ các nguồn nước thiên nhiên như sông, hồ hay bể chứa nước, hồ nước nhân tạo để chữa cháy với điều kiện:
a) Có đủ nước dự trữ chữa cháy trong các mùa theo quy định
b) Chiều sâu hút nước không quá 4m từ mặt đất đến mặt nước và mức nước không cạn quá 0,5m;
c) Phải có chỗ đảm bảo để cho xe bơm hoặc máy bơm chữa cháy đến lấy nước.
Chú thích:
1) Có thể thiết kế nước dự trữ chữa cháy chung với nước sinh hoạt, sản xuất nhưng phải có biện pháp khống chế việc dùng nước dự trữ chữa cháy vào các nhu cầu khác;
2) Khi tính thể tích của bể nước dự trữ chữa cháy, cho phép tính lượng nước bổ sung liên tục vào bể, ngay cả trong khoảng thời gian dập tắt đám cháy là ba giờ;
3) Trong trường hợp nước chữa cháy bên ngoài lấy từ các hồ chứa nước, hoặc các trụ nước, mà bên trong nhà cần có hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt và chữa cháy, thì thể tích của bể nước phòng cháy chữa cháy phải đảm bảo lượng nước dùng trong một giờ, cho một họng chữa cháy và các nhu cầu dùng nước khác.
Khoảng cách từ hồ chứa nước chữa cháy đến nhà có bậc chịu lửa III, IV, V hoặc đến kho lộ thiên làm bằng vật liệu dễ cháy, ít nhất là 20m, và đến ngôi nhà có bậc chịu lửa I, II, phải ít nhất là 10m.”
Cách tính thể tích bể nước PCCC
Phương pháp tính thể tích nước cho hệ thống bể nước phòng cháy chữa cháy (PCCC) được đề cập trong các Tiêu chuẩn như TCVN 2622 – 1995 và TCVN 7336 – 2003 với các bước tính toán cụ thể để đảm bảo hệ thống PCCC có đủ nước hoạt động trong thời gian quy định.
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622 – 1995, một hệ thống chữa cháy bằng vách tường cần phải hoạt động trong khoảng thời gian là 3 giờ liên tục.
Do đó, để đảm bảo hệ thống chữa cháy hoạt động đủ trong 3 giờ, ta tính thể tích nước dự trữ trong bể (thể tích bể nước phòng cháy chữa cháy dự kiến) bằng cách sử dụng công thức sau:
V1 = Lưu lượng nước phục vụ chữa cháy(l/s) x số giờ hoạt động tối thiểu(h) x số giây trong một giờ(s) = 5 x 3 x 3600 = 54000 (l) = 54 (m3)
Theo Tiêu chuẩn TCVN 7336 – 2003, thời gian chữa cháy của hệ thống Sprinkler là 0.5 giờ. Để tính thể tích nước dự trữ trong bể PCCC cho hệ thống Sprinkler, ta sử dụng công thức:
V2 = Cường độ nước phục vụ sinh hoạt(l/s.m2) x Diện tích tối thiểu được bảo vệ bởi một Sprinkler(m2) x Thời gian chữa cháy(s) = 0.008 x 120 x 1800 = 17280 (l) = 17.28 (m3)
Tổng thể tích nước dự trữ cho bể nước PCCC tối thiểu là:
V = V1 + V2 = 54 + 17.28 = 71.28 (m3)
Lưu ý trong quá trình sử dụng và vận hành bể nước phòng cháy chữa cháy
Để đảm bảo hiệu suất và sự an toàn trong việc sử dụng và vận hành bể nước PCCC, đơn vị quản lý cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đào tạo kiến thức kỹ năng
Người tham gia quản lý, vận hành bể nước phòng cháy chữa cháy cần được đào tạo về việc sử dụng bể chứa an toàn. Tối thiểu, các nhân viên cần biết cách kiểm tra áp suất, lượng nước còn lại trong bể và hiểu rõ quy trình kích hoạt hệ thống phòng cháy chữa cháy để vận hành khi cần thiết.
Bảo trì và kiểm tra định kỳ
Để đảm bảo hiệu quả sử dụng của bể nước chữa cháy, đơn vị cần thực hiện việc bảo trì và kiểm tra định kỳ. Việc kiểm tra nhằm đảm bảo bể luôn đủ nước và trong tình trạng hoạt động tốt.
Bề mặt bể cần được kiểm tra để phát hiện các vết nứt, gỉ sét hoặc bất kỳ sự hỏng hóc nào có thể ảnh hưởng đến tính an toàn của nó. Hệ thống ống và van kết nối với bể cũng cần được kiểm tra để đảm bảo rằng chúng hoạt động bình thường, không bị rò rỉ. Có thể đặt lịch bảo trì định kỳ để thay thế các linh kiện hỏng hóc để bể luôn trong tình trạng hoạt động tốt.
Luôn sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp
Luôn duy trì hệ thống bể nước phòng cháy chữa cháy ở trạng thái sẵn sàng để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đảm bảo các thành phần liên quan như van, ống và thiết bị kết nối đều hoạt động tốt. Tiến hành bổ sung nước định kỳ để tránh tình trạng thiếu nước khi cần sử dụng.
Bể nước phòng cháy chữa cháy là một phần quan trọng trong hệ thống PCCC, hỗ trợ rất lớn cho công tác chữa cháy, bảo vệ cuộc sống và tài sản của mọi người. Việc thiết kế và xây dựng bể chứa cần yêu cầu độ chính xác, do đó để đảm bảo an toàn, hãy liên hệ với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực an toàn chống cháy để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.