Đốt rơm rạ sau thu hoạch là một tình trạng khá phổ biến tại nhiều vùng quê Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết nắng nóng và khô hanh, quá trình này không chỉ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn làm tăng nguy cơ cháy lan nguy hiểm. Vì vậy, việc đưa ra các khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho người dân về tình trạng này là điều hoàn toàn cần thiết.
Mục lục
Thực trạng vấn đề đốt rơm rạ sau thu hoạch tại các vùng quê hiện nay
Hàng năm, vào khoảng tháng 6 và tháng 7, khi mùa hè nắng nóng xuất hiện, cũng là thời điểm bà con nông dân bước vào vụ thu hoạch lúa. Sau khi thu hoạch, một lượng lớn rơm rạ được người dân chất đống và phơi khô tại ruộng hoặc hai bên đường rồi đốt ngay tại chỗ, gây ra rất nhiều hệ lụy và rủi ro.
Khói bụi từ việc đốt rơm rạ có thể gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Khói cũng cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông và ảnh hưởng đến kết cấu đường. Mặc dù việc đốt rơm rạ mang lại một số lợi ích trong canh tác, nhưng nếu không thực hiện tốt công tác phòng ngừa sẽ dễ dẫn đến cháy lan, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trên thực tế, hàng năm, tại nhiều tỉnh thành của cả nước đều xảy ra một số vụ cháy rừng, cháy nhà do đốt cỏ và rơm rạ. Điển hình như tại Bạc Liêu, một người đàn ông 65 tuổi đã thiệt mạng sau khi cố gắng dập tắt đám lửa cháy lan do đốt rơm rạ giữa thời tiết nắng gắt hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Một trường hợp khác là vào ngày 3/4 tại Châu Thành, Tây Ninh, người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch đã gây cháy lan vào rừng đặc dụng tự nhiên với diện tích thiệt hại lên đến 598m2. Cá nhân thực hiện hành vi đốt gây ảnh hưởng nghiêm trọng cũng đã bị xử phạt 52.280.000 đồng
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy lớn khi đốt rơm rạ
Phần lớn các vụ cháy lớn do người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch đều xuất phát từ chính ý thức chủ quan, thờ ơ hoặc bất cẩn trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) của người dân.
Khi đốt rơm rạ, người dân thường bỏ đi mà không trông coi dẫn đến cháy lan, nhất là tại các khu vực ven rừng, ven ruộng. Khi dọn dẹp và đốt trong điều kiện thời tiết nắng nóng, gió và nhiệt độ cao có thể khiến lửa bén sang lớp cây cỏ, lá khô ở bìa rừng làm tình hình cháy nổ thêm phức tạp.
Một số vụ cháy xảy ra ở sâu trong các nương rẫy xa nguồn nước, khiến phương tiện và lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận. Nhiều người còn lo sợ trách nhiệm nên không báo cho cơ quan chức năng gây ảnh hưởng lớn đến công tác chữa cháy.
Biện pháp hạn chế tình trạng mất an toàn cháy nổ khi đốt rơm rạ
Để giảm thiểu số vụ cháy lớn do quá trình đốt rơm rạ sau thu hoạch gây ra, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động phòng ngừa các nguy cơ cháy bằng việc tuân thủ một số hướng dẫn sau:
Thứ nhất, lãnh đạo chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo và cảnh báo tới người dân về nguy cơ cháy nổ do đốt đồng, rơm rạ nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tình trạng này.
Thứ hai, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhắc nhở nhau thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa cháy lan. Phát quang cỏ dại xung quanh ruộng vườn, nhà cửa và nơi làm việc để đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy.
Thứ ba, quy định rõ ràng về trường hợp được đốt. Không đốt rơm rạ và cỏ khô sau thu hoạch khi có gió lớn, đồng thời khi đốt phải chọn nơi trống trải, thông thoáng, cách xa các vật dễ cháy. Phải có biện pháp đề phòng cháy lan, đồng thời cử người theo dõi cho đến khi rơm rạ được cháy hoàn toàn.
Thứ tư, đưa ra hướng dẫn và khuyến khích người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch đúng cách, hạn chế thấp nhất trưởng hợp phải tiến hành đốt.
Cuối cùng, khi phát hiện đám cháy lan rộng khó kiểm soát cần báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan Công an gần nhất hoặc lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo app báo cháy hoặc số điện thoại 114 để có hướng khắc phục nhanh chóng.
Một số cách xử lý rơm rạ sau thu hoạch
Nếu biết cách tận dụng, rơm rạ có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Thay vì đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp sau:
Sản xuất phân bón hữu cơ: Rơm rạ sau thu hoạch có thể được ủ để làm phân bón hữu cơ dùng trong canh tác lúa, bón cho rau màu và cây ăn trái, giúp giảm đến 40% chi phí sử dụng phân và thuốc hóa học. Từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận trồng trọt cho bà con.
Ủ mục cải tạo độ phì nhiêu của đất: Một số nơi sử dụng máy gặt đập liên hợp để cắt nhỏ và rải rơm rạ ngay trên ruộng đồng. Sau một thời gian ngắn, rơm rạ sẽ mục nát và trở thành phân hữu cơ, cải thiện độ phì nhiêu của đất.
Cất giữ làm vật liệu vận chuyển: Rơm có thể dùng để lót dưới những đồ dễ vỡ hoặc lót trong thùng hoa quả khi vận chuyển đi xa, giúp bảo vệ hàng hóa tránh khỏi các va đập
Trồng nấm rơm: Rơm có thể được sử dụng để trồng nấm. Theo nghiên cứu, 1 tấn rơm rạ có thể sản xuất được 780 kg nấm rơm tươi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Làm thức ăn cho gia súc: Rơm là thức ăn ưa thích của gia súc như trâu, bò và có thể được bảo quản lâu dài. Chỉ cần phơi khô và chất thành đống lớn, rơm sẽ là nguồn thức ăn dồi dào quanh năm cho gia súc.
Rơm rạ có nhiều lợi ích khác nhau, vì vậy chúng ta cần sử dụng chúng một cách hợp lý để phát huy hết hiệu quả, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe. Rủi ro cháy nổ luôn thường trực, mỗi người dân hãy luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng nhé!
Nội dung liên quan được nhiều người đọc: