Cháy nổ xe máy vào ngày hè đang có nguy cơ tăng cao trong thời gian gần đây. Vậy đâu là nguyên nhân và có giải pháp gì để hạn chế rủi ro này hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Rủi ro cháy nổ xe máy vào ngày hè
Mùa hè tại Việt Nam thời tiết nắng nóng và rất khắc nghiệt. Nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ cháy nổ xe máy khi để ngoài trời hoặc di chuyển trên đường trong thời gian dài. Trong hầu hết các trường hợp này, việc tìm ra nguyên nhân cháy nổ từ những dấu vết còn lại thường rất khó khăn.
Trên thực tế, không hề hiếm gặp tình huống một chiếc xe máy đang lưu thông trên đường bỗng dưng bốc cháy. Các vụ việc cháy xe máy thường xuất hiện vào mùa hè và tập trung ở những chiếc xe cũ đã qua thời gian sử dụng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng xe máy bất ngờ bốc cháy. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp cháy đều cần có hai yếu tố cơ bản, đó là chất dẫn cháy và nguồn cháy. Trong đó, chất dẫn cháy chính trên xe máy là xăng và nguồn cháy thường đến từ ngọn lửa hoặc nhiệt độ cao.
Ở Việt Nam, chưa có trường hợp cháy xe máy nào được xác định nguyên nhân một cách rõ ràng. Xe máy là phương tiện được mua bảo hiểm, tuy nhiên, loại bảo hiểm bắt buộc mà tất cả chủ sở hữu xe phải có là bảo hiểm dân sự, không bao gồm bảo hiểm cháy nổ. Vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục cháy nổ xe máy để phòng ngừa vẫn là sự lựa chọn tối ưu nhất.
Một số nguyên nhân gây cháy nổ xe máy vào mùa hè
Nguy cơ cháy nổ xe máy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân bạn cần lưu ý:
Nguyên nhân do chập điện
Hiện tại, đối với những chiếc xe máy mới, khả năng bốc cháy đột ngột khi đang di chuyển thường ít phát sinh từ nguồn điện vì hệ thống điện trên xe thường đi qua một bộ điều khiển và cầu chì an toàn. Hầu hết các hiện tượng đoản mạch tạo ra tia lửa điện thường bị cầu chì ngắt ngay lập tức.
Tuy nhiên, với những chiếc xe máy đã được sửa chữa, việc lắp đặt thêm các thiết bị điện tử như đèn, còi, hay việc đấu điện không hợp lý có thể tạo điều kiện cho các sự cố chập. Do đó, người dùng không nên thay đổi hệ thống điện và công suất của cầu chì gốc của xe.
Trong trường hợp cần thiết phải nâng cấp hệ thống điện, bạn nên tính toán kỹ về công suất của dây điện. Chỉ nên cài đặt hệ thống bảo vệ riêng theo hướng dẫn từ nhà sản xuất hoặc đại lý uy tín để tránh nguy cơ cháy nổ xe máy do chập điện.
Do rò rỉ nhiên liệu
Xăng thường có khả năng chảy ra từ hệ thống ống dẫn và bộ chế hòa khí nếu chúng không được lắp đặt kín. Đặc biệt, ống dẫn xăng ở các xe số thường bố trí bên ngoài, do đó rất dễ bị chuột cắn gây hỏng hóc và rò rỉ xăng khi xe đang hoạt động.
Xăng bay hơi rất nhanh trong môi trường ngoài không khí, vì vậy việc phát hiện rò rỉ xăng thường khó xác định bằng cách mắt thường. Tuy nhiên, nếu phát hiện xe có mùi xăng quá nồng trước và trong quá trình di chuyển, bạn nên cẩn trọng và cần đem xe đi kiểm tra ngay.
Nhiệt độ xe quá cao
Hiện tượng nhiệt độ quá cao của động cơ cũng có thể gây cháy nổ xe máy. Tình trạng này thường xảy ra do chủ xe không thay dầu máy đúng định kỳ, dẫn đến dầu mất khả năng bôi trơn và làm mát. Động cơ hoạt động trong điều kiện quá nhiệt không chỉ dẫn đến hỏng hóc mà còn tạo điều kiện cho các sự cố cháy nổ nếu tiếp xúc với chất dẫn cháy.
Ngoài ra, khi chủ phương tiện để xe tại các vị trí nắng gắt trong thời gian dài, nhiệt độ cao từ môi trường không chỉ gây hỏng hóc máy mà nguy cơ cháy nổ cũng tương đối cao. Theo các chuyên gia và nhà khoa học, tác động của nhiệt độ cao có thể gây tăng áp suất trong lốp xe dẫn đến lốp bị bào mòn và thậm chí là phát nổ.
Các biện pháp xử lý khi xe máy bị cháy
Cháy nổ xe máy khi ở trong nhà
Nếu xe máy bắt cháy trong một không gian kín như trong nhà, bạn nên thực hiện các bước sau:
- Mở cửa và cửa sổ để giảm áp suất nổ và tránh phá hủy cấu kiện xây dựng.
- Sử dụng vật liệu đã thấm nước như chăn, mền, áo khoác rộng để phủ lên vùng cháy, cách ly vùng cháy với các chất dễ cháy nổ khác.
- Không hất nước vào đám cháy vì xăng không hòa tan trong nước và việc phun nước có thể làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
- Sử dụng bình chữa cháy bằng khí hoặc bột để dập tắt đám cháy nếu có. Đồng thời, gọi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số 114 để được hỗ trợ nếu không thể dập tắt đám cháy bằng các giải pháp phía trên.
Xe cháy trong bãi đậu xe
Trong trường hợp xe máy bị cháy trong bãi đậu xe, bạn cần bĩnh tĩnh và nhanh chóng thực hiện các biện pháp sau:
- Thông báo cho những người xung quanh biết về tình huống cháy nổ xe máy để nhận được sự hỗ trợ.
- Ấn chuông để báo cháy và nhanh chóng di chuyển các xe khác khỏi khu vực đang cháy để ngăn cháy lan sang những phương tiện khác.
- Sử dụng bình chữa cháy bằng bột hoặc khí nén nếu có sẵn để cố gắng dập tắt đám cháy một cách nhanh chóng
- Gọi ngay số điện thoại khẩn cấp 114 để thông báo yêu cầu hỗ trợ từ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Xe cháy khi đang di chuyển trên đường
Nếu đang di chuyển trên đường và phát hiện xe có dấu hiệu cháy, hãy kêu gọi sự giúp đỡ từ những người xung quanh để dập tắt xe đang cháy. Nên giữ khoảng cách an toàn với xe bị cháy để tránh nguy cơ nổ bình nhiên liệu.
Giải pháp giúp hạn chế cháy nổ xe máy khi vào hè
Để giảm thiểu rủi ro cháy nổ xe máy vào mùa hè, chủ xe cần xem xét các giải pháp sau:
Hạn chế để các đồ vật gây cháy trong cốp
Sử dụng khoang cốp xe máy để chứa đồ dùng cá nhân là thói quen của số đông mọi người. Tuy nhiên, vào mùa hè, thói quen này có thể mang đến những rủi ro cháy nổ nguy hiểm. Một số đồ vật có thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao dẫn đến hỏng hóc, biến dạng và gây cháy có thể kể đến như:
- Đồ điện tử: Nhiệt độ trong khoang cốp có thể khiến điện thoại di động, máy tính bảng, sạc dự phòng và các thiết bị điện tử khác hư hỏng, thậm chí gây cháy nổ.
- Dung dịch dễ cháy: Các chất lỏng dễ cháy nên tránh để trong khoang cốp. Nhiệt độ cao có thể làm tăng áp suất bên trong gây ra rò rỉ và dẫn đến cháy nổ.
- Thực phẩm tươi: Những thực phẩm tươi như trái cây, thịt, sữa, và các sản phẩm từ động vật có thể bị nấm mốc và phát sinh vi khuẩn dưới tác động của nhiệt độ cao. Điều này không chỉ lãng phí, mà còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người sử dụng.
- Mỹ phẩm và thuốc: Bất kỳ sản phẩm hóa chất độc hại, mỹ phẩm hoặc thuốc nên được lưu trữ ở nơi khô ráo và mát mẻ. Nhiệt độ cao có thể làm thay đổi tính chất của mỹ phẩm hoặc làm mất hiệu quả của thuốc.
Bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ
Cần thực hiện bảo dưỡng định kỳ cho xe máy, bao gồm kiểm tra hệ thống điện, nhiên liệu, dầu máy và các bộ phận khác 3 đến 6 tháng một lần. Dầu máy làm mát và bôi trơn động cơ, giúp ngăn chặn quá nhiệt và nguy cơ cháy nổ.
Khi cần di chuyển xa, hãy kiểm tra và duy trì áp suất lốp xe theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Áp suất lốp ổn định giúp duy trì hiệu suất lái và tránh nguy cơ nổ lốp gây mất an toàn.
Hạn chế dựng xe hoặc di chuyển quá lâu dưới thời tiết nắng nóng
Nếu có thể, hãy đỗ xe ở nơi có bóng mát hoặc sử dụng bạt che để bảo vệ xe khỏi tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời. Điều này giúp hạ nhiệt độ cho xe, hạn chế tăng áp suất lốp và bảo vệ bề ngoài xe khỏi tác động của tia UV.
Nếu phải di chuyển xa vào những ngày có nhiệt độ môi trường cao, cứ 1 đến 2 tiếng chủ phương tiện nên cho xe nghỉ từ 15 đến 20 phút để các thiết bị được nguội bớt rồi mới nên tiếp tục di chuyển để. Điều này vừa đảm bảo độ bền cho xe, hạn chế nguy cơ cháy nổ xe máy, vừa giúp chủ xe giảm bớt căng thẳng sau quá trình di chuyển quá lâu.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về một số cách xử lý khi xe bị cháy và các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro này. Hy vọng thông qua những chia sẻ của chúng tôi, chủ phương tiện sẽ có thêm kiến thức cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân trước các sự cố cháy nổ xe máy nguy hiểm vào mùa hè.